DG'S BLOG

LINH TA LINH TINH

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

NHỮNG LỜI CAM KẾT...



Thật đáng hoan nghênh khi cùng một lúc, cả 2 vị hàm Bộ trưởng đầu ngành đều có mặt ở Hưng Yên để thảo luận thêm về một số vấn đề liên quan tới việc triển khai dự án Ecopark, bao gồm Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang.

Và thú vị nằm ở chuyện, khi một vị Bộ trưởng phát biểu rất chân thành nhưng khá chung chung, đại khái các địa phương có đề xuất gì cứ mạnh dạn ý kiến, các cơ quan Trung ương hứa sẽ nghiên cứu và cân nhắc hỗ trợ, để ổn định tốt hơn nữa tình hình, để địa phương có điều kiện hơn nữa trong việc thực hiện dự án, phát triển kinh tế.

Một vị là chủ tịch xã, đã mạnh dạn trao đổi thẳng với Bộ trưởng, rằng cách hỗ trợ tốt nhất của các cơ quan trung ương là thôi ý kiến kiểu xem xét, nghiên cứu, cân nhắc, và hãy nhất quán trong phát ngôn để những người dân đang còn có khúc mắc đỡ bán tín bán nghi, thông tin đỡ bị đám cầm đầu bóp méo xuyên tạc và lợi dụng. Thế là ổn!

Những phát ngôn của quan chức, dù đôi khi chân thành, nhưng nếu vẫn còn giữ kiểu chung chung như thế, há chẳng phải vô tình làm phức tạp thêm tình hình ngoài mong muốn hay sao? Và cũng vì kiểu chung chung thiếu nhất quán như thế, cho nên mấy năm qua, Hà Nội thêm phần nhếch nhác bởi một đám cò mồi luôn có cửa khai thác để dẫn dắt những người dân tội nghiệp ăn chực nằm chờ, thậm chí ăn vạ chuyên nghiệp tại hầu hết các cơ sở tiếp dân?

***

Cũng chuyện hứa hẹn, nhưng lần này không còn chung chung nữa, mà đã là giấy trắng mực đen, chữ ký tươi dấu đỏ, lần lượt hàng loạt bệnh viện ở HN đã cam kết sẽ không để tình trạng bệnh nhân nằm chung giường, một hình ảnh có thể coi là nỗi khiếp sợ đối với bệnh nhân trong suốt hơn một thập kỷ.

Phải chầu chực trong bệnh viện, và chứng kiến hiện trạng hạ tầng của ngành Y trong bao nhiêu năm qua, mới thấy loạt cam kết này đáng quý đến chừng nào.

Thậm chí như ai đó đã viết, là thần thánh.

Vì chỉ có thần thánh mới dám nghĩ đến những điều không tưởng, và một khi đã đặt bút ký vào vấn đề cực kỳ hiểm hóc này, tức là đã dám đặt danh dự và sinh mạng sự nghiệp của mình vào trong đó.

Ngay lập tức, có không ít ý kiến trên mạng mà đa phần đến từ các nhà báo, đại khái rằng đã cam kết rồi mà sao họ vẫn còn lần ra được một trường hợp bệnh nhân phải điều trị ngoại trú, ở trọ ngoài viện, và ngày hai lần vào viện điều trị?

Họ nói rằng nhà trọ tồi tàn và vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên người bệnh rất khổ cực.

Họ nói rằng, những lời cam kết không để nằm chung giường là giả tạo, dối trá.

Và họ đã câu được khấm khá like lẫn comments, đa phần đều viết về sự dối trá và lươn lẹo, lên án những người đã dũng cảm đặt bút ký vào những cam kết hết sức nhạy cảm và khó khăn như thế.

Làm gì cũng phải có quy trình của nó, đến việc có sẵn nhất và bản năng nhất ở đời là sinh cũng thai nghén đủ 9 tháng 10 ngày mới có kết quả, đâu phải ký tá đăng ký xong, XYZ  xong, là có ngay nhi đồng bi bô bế ẵm? Bút ký chưa ráo mực đã nhảy chồm chồm đòi nhìn ngay hiệu quả, cứ như thể việc xử lý tình trạng bệnh nhân chung giường là một cú ngửa lòng bàn tay không bằng?!

Cũng giống như việc nhìn vào cam kết giải phóng chuyện tắc đường là đòi hỏi phải có ngay, mà cố tình lờ tịt chuyện người ta đang nỗ lực mở rộng, nâng cấp lại đường sá, thậm chí còn lấy làm khó chịu?

Cũng giống như việc nhìn vào cam kết trấn áp tội phạm là đòi hỏi phố xá phải thanh bình ngay, nhưng lại lờ tịt và thậm chí còn khó chịu với cảnh công an tăng cường tuần tra kiểm soát, và quá nữa là còn gọi những thứ đầu xanh tóc đỏ, ma túy và dao kiếm dắt trong cốp xe là “dân lành”?

Thật lòng, để nói đạt hiệu quả 100% của những lời hứa kia là một điều cực khó, nhưng với bối cảnh hiện tại, chỉ cần xử lý được khoảng 70% thôi, thì đã đủ hoan hô, tuyên dương rồi. Trong tháng qua mình hai lần đưa con vào viện Nhi, lần nào cũng tắc đường ở cổng vì đơn giản, cả một tòa nhà to vật của bệnh viện đang gấp rút thi công hoàn thành. Khó chịu đấy nhưng suy cho cùng đó mới là điều dễ chịu, không chấp nhận đầu tư xây thêm bệnh viện như thế, thử hỏi cam kết cái gì?

Nhân danh mạng xã hội, nhân danh báo chí, nhân danh dư luận, nhân danh nhân dân để quan sát và giám sát các hoạt động xã hội, cam kết quản lý xã hội là điều tốt, nhưng nếu cứ giữ kiểu tâm thế giám sát theo lối đánh đấm thiển cận như thế, thì chẳng trách tại sao càng ngày càng ít người dám đứng ra nhận những trách nhiệm hết sức cộng đồng?!

Thành hay bại cũng ăn chửi, không làm hay làm cũng bị ăn đòn, vậy tội gì?!

2 nhận xét:

  1. Có thể khẳng định cán bộ địa phương cần chủ động và linh hoạt hơn trong giải quyết các vấn đề.. Không chỉ bị động chờ vào những chỉ thị cụ thể của cấp trên được. CHúng ta cần dự vào đường lối và chính sách từ đó cụ thể hóa nó.. Đó mới là tính tự chủ chứ, không phải cầm tay chỉ việc.

    Trả lờiXóa