DG'S BLOG

LINH TA LINH TINH

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

BẾN Ô SIN

Cô  đầu tiên xin cứ gọi là cô Nhất, mốt phim truyền hình Trung Quốc nhiều  tập thì cả nhà gọi cô là Lâm Nhất Nhất. Nhất vừa mới đến một buổi sáng  đã nghe huỳnh huỵch bôm bốp từ phòng ăn sang phòng khách, vợ và con gái  anh tái xanh tái mét chạy dúi vào phòng ngủ.

Nhất  theo vào ngay, miệng cười đắc thắng, tay giơ cao đuôi con chuột vừa bị  cô đánh hộc máu ra đằng mõm chìa cả răng. Phải xua mãi Nhất mới chịu ra.  Lát sau nhác thấy một con chuột chạy men theo chân tường, cô lại đuổi  nó tơi bời chạy ra khỏi bếp men theo lan can lên cầu thang. Lại bài cũ,  cô rút phắt cái dép cầm tay ném một phát ăn ngay. Con chuột quay lơ ngất  xỉu. Con thứ ba bị cô đá một phát không còn biết trời đất là gì ngay  trong phòng khách. Một buổi sáng đi tong ba mạng chuột. Rồi Nhất vừa nấu  cơm vừa kể ngày bé đi chăn trâu cô nổi tiếng là tay sát chuột. Hun được  một ổ chuột đồng, vơ một ít rơm rạ cỏ khô nổi lửa lên là được bữa thơm  lừng ấm bụng. Nhưng đây là chuột thành phố, chuột thành phố độc hại  không ăn được, một ổ dịch hạch đấy. Cô rành rẽ thế.

Đến  được vài ngày, cô dặn cả nhà hễ bạn cô gọi đến thì phải nói đây là Xí  nghiệp bánh kẹo Hà Nội. Cô đã nói với mọi người rằng lên Hà Nội làm công  nhân. Một hôm đi chợ, cô gặp một con bé người làng mang gà lên bán đang  tỉ tê trò chuyện với mấy bà hàng ngày vẫn bán rau cho cô. Cô bảo mày về  làng mà nói thấy tao đi chợ thế này, tao cấu đầu rút ruột mày vứt vào  nồi canh. Báu bở gì cái nghề đi ở.

Bà nội cô ngày  trước cũng ở cho nhà anh. Lúc bà bằng tuổi cô bây giờ. Làm quản gia tay  hòm chìa khóa, được tin cẩn như người nhà. Toàn quốc kháng chiến, ông bà  cha mẹ anh đưa nhau ra vùng Việt Bắc kháng chiến, còn một hộp đồ nữ  trang và những đồ quý sót lại trong nhà, bà cho vào thúng gánh về quê,  về sau hòa bình bà gánh lên hoàn chủ, không suy chuyển mảy may. Nhất kể  lại. Kể xong cô bình, cũng là một thứ trung thành theo kiểu nô bộc nô  tài.

Hôm khác lại bảo cách mạng đưa bà cháu từ thân  phận thằng ở con sen lên địa vị làm chủ, có thời bà cháu còn làm đội  trưởng sản xuất. Thế mà hôm cháu đi bà cháu lại mừng. Ra đây có cô chú  chăm nom bà cháu yên tâm lắm, chứ ở nhà làm cái mảnh ruộng bằng viên  gạch, lấy gì mà đút mồm.

Tình nghĩa cũ hai nhà. Anh  chị định nuôi Nhất dăm ba năm rồi cho cô đi học may có cái nghề mà lấy  chồng. Làm Ôsin mới được vài tháng cô đòi đổi ngược quy trình: học may  trước, vừa học vừa làm. Thế là học may. Về nhà trải báo cũ ra đo đo cắt  cắt. Nhưng không quên nấu nướng. Bảo rau gì nấu với thịt gì, cá gì cho  gia vị gì, rau thơm gì, cô tiếp thu nhanh làm đúng ngay. Không lẫn. Tuy  nhiên thỉnh thoảng cô lại chế tác ra những món cải tiến. Làm phở đã rất  ổn, cô lại còn cho thêm những viên mọc vào. Anh đi nhìn ngó thì hóa ra  không phải một mình cô nghĩ ra, các cô Ôsin đã cho gần hết cả Hà Nội ăn  phở mọc. Rau sống cô mua về, rau muống chẻ là món chính thì ít, rau thơm  là món ăn hương ăn hoa thì lại thành món chính, ăn cả cây. Lại đi nhìn  ngó thì hóa ra cả Hà Nội thanh lịch bây giờ ăn cả cây rau húng rau kinh  giới um tùm sum suê. Ẩm thực Ôsin thịt vịt thịt ngan cưỡi hẳn lên đám  giỗ đám cưới. Tự chế mãi, một hôm Nhất xoay ra bảo cô chú mua cho cháu  quyển sách dạy nấu đặc sản, cháu làm đặc sản cho cả nhà ăn. Mua sách về.  Cho thực hành. Vợ anh khen, con bé này mai ngày về quê lấy chồng không  muốn làm ruộng mở quán cơm bụi đắt hàng đấy. Nhất bảo cháu xin thưa lại  hai điều: Một, những đứa như cháu đổi đời ra phố rồi, đố mà quay về quê  được. Hai, mở hàng cơm củi lửa dầu mỡ nhem nhuốc, không sang. Vợ anh hỏi  thế nào thì sang. Nhất chỉ tay lên bức tranh phiên bản treo ở phòng  khách: sang là như cô tiểu thư kia kìa.

Một bức danh  họa châu Âu. Một cô gái áo váy tươm tất, mái tóc rẽ ngôi còn in đường  lược, hai tay nâng cái khay trên có một cốc nước không hề sóng sánh,  chân thì đang khoan thai bước đi. Nhất gọi cô gái trong tranh là cô tiểu  thư.

Nhất học hết lớp dạy cắt may. Thực hành hết  quyển sách dạy nấu ăn. Một hôm cô xin phép ra đi. Người ta nhận cô vào  một xí nghiệp may mặc liên doanh. Mấy chị em công nhân thuê chung một  chỗ ở. Vợ anh tiếc con bé nấu ăn ngon. Tiếc cái công đào tạo. Anh bảo  tiếc gì. Nó như con cháu trong nhà.

Hôm cô đi, cô còn rút dép đập chết được một con chuột nữa.

* * * * *

Cô  thứ hai cứ coi như tên Nhị, Khuất Nhị Nhị. Theo mốt phim truyền hình  Trung Quốc nhiều tập, bốn cô lần lượt đến đỗ tạm bợ vào cái bến Ôsin này  đã và sẽ là Lâm Nhất Nhất, Khuất Nhị Nhị, Lý Tam Tam, Đàm Tứ Tứ, có thể  sẽ có một cô thập thò ngấp nghé ở cuối truyện mang tên Ngũ Nương Nương.

Cô  Nhị, tiếng Việt nhằng nhịt đại từ nhân xưng phân cấp ngôi thứ thì phải  gọi bằng chị, chị Nhị xấp xỉ tứ tuần ở quê mấp mé lên bà ngoại. Chồng  chết, ba đứa con gửi lại nhà mình. Nhị đi ở nhà người. Kêu chị nấu canh  nhạt, hôm sau nồi canh mặn chát muối iốt cho cả nhà phát triển trí tuệ.  Kêu mặn thì hôm sau chị cho ăn nhạt trở lại. Cứ như thế cho đến khi cả  nhà đều biết sợ, không kêu nữa. Khen nồi canh cua rau rút khoai sọ ngon,  ngon à, Nhị cho ăn canh khoai sọ ba ngày liền đến mức con bé nhìn thấy  khoai sọ thì bảo là khoai đầu lâu.

Nhị mê mẩn những  bộ váy áo của vợ anh. Con bé đi học về sớm thấy Nhị mở nhạc Thái Lan  tưng bừng giậm giật, khoác trên người dăm ba bộ cánh của vợ anh, giày  cao gót cũng của vợ anh, đi một vòng lại kéo vạt áo một cái, nghiêng  mình như người mẫu trên sàn diễn. Đi qua một vòng Nhị cởi một bộ trút  xuống dưới chân. Đi lại một vòng Nhị cởi bộ nữa. Dăm ba lần cởi như lột  vỏ hành. Sắp sửa lột đến phần áo tắm thì con bé về. Nhị nhìn mấy bộ xống  áo xõa xượi trên nền nhà thở dài với con bé, thật là kẻ ăn không hết  người lần chẳng ra.

Lần sau không phải con gái mà là  anh bắt gặp. Nhị mặc cái váy ngủ màu kem của vợ anh, nằm trên giường ngủ  của vợ chồng anh. Em nằm chờ anh đấy. Anh xem bộ này em mặc dứt khoát  đẹp hơn cảnh sát mặc váy của anh. Anh lờ đi như không nghe thấy gì, bỏ  ra ngoài. Hôm sau anh khen nhà cửa dọn dẹp trang hoàng đẹp mắt. Nhị lúng  liếng đung đưa cặp mắt, em làm được thế là nhờ có tình yêu.

Phải  bảo vợ gặp nói chuyện riêng với Nhị. Vâng, em cũng định nói chuyện  riêng với chị từ lâu. Chị cầm tù anh ấy làm gì. Chị hãy buông tha cho  anh ấy. Cô đã xem cho em rất kỹ, cô bói bài tây, cô giúp em viết sớ gieo  quẻ, cô xem tay cho em, xem tướng mặt, vạch cả mắt em ra mà xem, cô bảo  chỉ cần em kiên trì là muốn gì được nấy. Bây giờ em chỉ muốn anh ấy mà  thôi. Cô điên à? Chị đừng hét lên như thế, em còn có thể hét to hơn chị  nhiều.

Hai vợ chồng bảo nhau cho Nhị nghỉ. Chờ thêm  vài ngày nữa để tìm một con bé khác. Nhưng ngay ngày hôm sau Nhị chủ  động bảo cho em thôi việc, em sang làm cho nhà bác Nhỡ đối diện nhà  mình, em sẽ ở đó chờ cho tới ngày anh được chị tha bổng, bao lâu em cũng  chờ.

Từ hôm đó, hễ anh chở chị trên cùng một xe, lại  thấy ánh mắt hàng phố thương cảm một cặp vợ chồng cầm tù lẫn nhau mà  không buông được nhau ra. Thời gian ở với anh chị, Nhị đã kịp lân la  truyền tin trong mạng lưới Ôsin khắp dãy phố, mạng lưới Ôsin truyền sang  mạng lưới các bà nội trợ, các ông về hưu, truyền vào những bữa cơm gia  đình đủ mặt mọi thế hệ.

***

Rút  kinh nghiệm. Không đến trung tâm dịch vụ việc làm tìm người nhiều tuổi  nữa. Cứ trẻ con mà hay. Cháu của người quen của bạn. Họ về quê đón một  xâu ba bốn đứa, chia cho mỗi nhà một đứa.

Lý Tam Tam  không còn là trẻ con nữa. Mười bảy tuổi rồi. Ở quê cũng là tuổi đã cuống  lên đua đòi chúng bạn lấy chồng. Buổi tối ăn uống rửa bát đĩa xong,  không thấy Tam đâu, vợ anh cuống lên sợ nó lạ nước lạ cái bị mẹ mìn bắt  sang Trung Quốc. Tất tả đi tìm thì thấy đang đứng nói chuyện với mấy chú  thợ ở căn nhà đang xây. Giai trứng cá gái má hồng. Mồm miệng tung hứng  đối đáp. Mắt đung đưa. Ngồi xem phim truyền hình nhiều tập hễ thấy trai  gái cầm tay kề vai áp má là mắt nhìn đắm đuối mồm xuýt xoa như ăn me ăn  sấu.

Mê giai biểu hiện ra tính lú lẫn. Không tập  trung được vào một việc gì. Để cháy nồi cá. Vặn nhầm nút điều chỉnh làm  cháy cái nồi cơm điện gần hai triệu bạc. Bảo đi mua thịt thì mua ốc. Bảo  chạy ra mua gừng luộc ốc thì mua riềng. Nhà cửa cứ lộn xộn rối tinh cả  lên vì cái quên quên nhớ nhớ của Tam. Ngày thường đã thế, chủ nhật đòi  cho cháu đi thăm người cùng quê. Chủ nhật nào cũng đòi đi. Hôm nào không  đi được thì ngồi khóc. Giời ơi, sao cháu khổ thế này. Người ta được đi  học đi chơi, cháu phải làm con ở.

Một hôm Tam lại hờ  khóc ai oán. Chắc lại không được đi chơi. Anh hỏi vợ, chị bảo chơi cho  lắm bây giờ ngồi khóc, cái bụng lùm lùm kia gần bốn tháng rồi, hỏi của  đứa nào nhất định không nói. Khó xử. Nhỡ mà hàng xóm biết, một mất mười  ngờ. Anh vẫn được tiếng là đẹp giai nhất nhà. Còn lại trong nhà tất cả  đều là nữ: vợ, con gái, bà mẹ già thỉnh thoảng đến chơi. Gia súc cũng  đều là giống cái: một con chó và một con mèo.

Gọi cho  bố Tam ở quê ra. Bố nó bảo bác đi với em nói chuyện với thằng ấy. Chú  thợ xây. Bây giờ mày tính thế nào? Chả thế nào cả, mê giai cho lắm thì  nó chết. Mày chài nó thì mày phải giải quyết chứ. Chả biết ai chài ai.  Chúng mày không định lấy nhau à? Lấy nhau? Tôi ở trong cái nhà đang xây  dở với một lũ đàn ông thế này, lấy là lấy thế nào? Mày không sợ tao kiện  à, nó là con gái vị thành niên? Tôi cũng vị thành niên đây, còn lâu mới  đủ mười tám tuổi, tôi cũng đi kiện.
Bố con nó khăn gói về quê. Tam mếu máo van nài vợ anh, cô xin bố cháu cho cháu ở lại. Về quê đi qua sông bố cháu dìm cháu chết.

***

Con  thuyền đi được chứ cái bến không đi được. Có thuyền nào lại tính chuyện  ăn đời ở kiếp trung thành với bến nào. Theo thứ tự thì bây giờ là Đàm  Tứ Tứ. Không đàn đúm. Không sểnh ra là lẻn khỏi nhà. Không mấy khi mở  mồm, có lẽ vì giọng nó nặng quá, lại khê như giọng bà già. Mặt trắng  bệch. Mắt mờ sương đơ đơ man man. Bê bát canh từ bếp vào phòng ăn bao  giờ cũng bê nghiêng, té xuống đất nửa bát. Nhìn thế biết thần kinh nó có  vấn đề.

Vợ anh đã bắt đầu chán cái việc làm thầy  Ôsin. Cô nào cũng bảo ban cẩn thận việc nữ công gia chánh, vừa mới hơi  tiến bộ thì ra đi. Chán chả buồn nói. Mặc kệ Tứ muốn làm gì thì làm. Thế  là ai cũng sợ ăn cơm nhà. Công dung ngôn hạnh phải rèn phải học. Nữ  công gia chánh phải học. Ẩm thực không biết ăn thì sao biết làm. Nghề  giúp việc châu Âu có hàng trăm năm truyền thống. Nghề giúp việc ở đây có  tới nửa thế kỷ đứt đoạn.

Vào bữa Tứ ngồi gắp thức ăn  như giả vờ. Gẩy gẩy gót gót. Sơ sài một bát đứng dậy. Cứ sợ nó ăn ít  không làm được. Nhưng cơm nguội bữa trưa thừa trong nồi đến bữa tối chả  thấy đâu. Nồi thịt đủ ăn ba bữa, mới ăn bữa trưa, bữa tối đã không còn.  Mua một bát tào phớ bê vào phải húp một hơi làm phép mà quên mất vệt tào  phớ trắng lem nhem quanh mép. Càng thế ngồi vào bàn ăn lại càng như thể  không muốn ăn.

Dần dần bắt đầu nhận ra đồ đạc trong  nhà hao hụt lạ lùng. Mất lọ nước hoa thỏi son cái gương cái lược. Ba  chục cái bát sứ Nhật mua được vài tháng chỉ còn mười hai cái. Mùa đông  đến lôi quần áo rét ra mặc thì thiếu hết cả quần cha áo mẹ váy con. Có  hôm thấy cả một cuộn tiền giấu dưới gầm tủ lạnh. Hỏi. Tứ trả lời tiền ấy  của người cùng quê hôm qua đến gửi mua thuốc.

Vừa  may có cô Nhất đến chơi. Cô bây giờ đã ra dáng cô thợ may, áo váy đã  biết chọn kiểu dáng, biết chọn màu. Nghe vợ anh than thở mất đồ, Nhất  nói để cháu bảo nó.

Cô rút cái dép đi trong nhà ra  cầm tay, đảo mắt nghiêng tai nghe ngóng. Thình lình cô chồm tới cúi  người đập đánh chát. Mày chết này. Chết thật. Một con chuột quay lơ chân  cầu thang. Nhất quay sang quát Tứ, nhặt con chuột lên.

Tứ  loay hoay định tìm một tờ báo lót tay. Nhất quát, nhặt bằng tay, đừng  có học đòi tiểu thư. Tứ hoảng quá vội dùng tay xách đuôi con chuột lên.  Nhất lấy một cái đĩa sạch đặt trên mặt bàn, hất hàm, bỏ nó vào đĩa.

Hai  cô ngồi đối mặt. Giữa là con chuột chết trên cái đĩa. Chưa chết hẳn. Cứ  một lát nó lại co rúm hai chân trước, cái bụng rụng lông rung bần bật.  Nhất quát bây giờ mày khai hết tao nghe. Nhất bắt nó hai tay cầm cái đĩa  con chuột chết mà xưng tội. Tứ ồng ộc nôn thốc nôn tháo. Tồng tộc khai  bằng hết. Quần bò áo len áo da cho hết vào túi ni lông, sáu giờ chiều  xách ra cùng với túi rác. Túi rác bỏ vào thùng rác. Túi đồ thì gửi con  bé Ôsin nhà bên. Vài bữa đóng gói một lần ra bưu điện gửi về quê. Thìa  đĩa bát mang ra chợ bán rẻ.

Sự thành khẩn quá mức có  khi gây xúc động. Nhất giật lấy cái đĩa con chuột chết từ tay Tứ đem đổ  sọt rác. Mày ngu lắm, giở trò gian dối với người cho mày nương tựa. Mày  thích ở đây nhà cao cửa rộng, mưa không tới mặt nắng không tới đầu, ăn  trắng mặc trơn, hay là thích về quê mò cua bắt ốc cấy một sào lúa mỗi  năm chỉ đủ gạo ăn ba tháng. Nhất đổi giọng dạy dỗ. Đừng tưởng người  thành phố tiền bạc vứt đầy mặt bàn, quần áo lèn chặt tủ là người ta hớ  hênh. Bẫy cả đấy. Người ta để đấy mời mọc, thử xem mình thật thà đến mức  nào, thực ra người ta tính đếm cả rồi.

Dạy dỗ chán,  Nhất hạ giọng thân tình. Thôi vấp ngã thì đứng dậy. Bà nội chị bảo đói  thì khó sạch rách thì khó thơm cho nên ngày xưa các cụ mới phải dạy đói  cho sạch rách cho thơm. Giấy rách phải giữ lấy lề. Phải đàng hoàng để  người thành phố người ta không coi thường mình. Ví dụ, vào bữa thì đừng  có hùng hục vục mặt vào mà ăn, ra vẻ khảnh ăn càng tốt. Vắng mặt người  ta tha hồ mày ăn nếm ăn thêm. Nếm lúc nấu và thêm sau bữa chính. Lọt  sàng xuống nia đi đâu mà thiệt.

Dạy xong được con Tứ,  Nhất sang cười đắc thắng với vợ chồng anh. Khen cô dạo này nhanh nhẹn  hoạt bát, cô bảo cháu bị đuổi khỏi xí nghiệp may mặc liên doanh rồi. Ông  chủ ngoại quốc bắt công nhân làm ngày mười hai tiếng không cho nghỉ thứ  bảy chủ nhật, bắt công nhân xếp hàng giữa nắng chào vợ ông ấy, dàn hàng  ngang như đội danh dự chào nguyên thủ quốc gia. Mụ này hàng ngày đến  nhà máy ăn trưa với ông chủ vào lúc chính ngọ. Cháu vẽ tranh biếm họa  dán báo tường nhà máy. Cháu sang các phân xưởng tuyên truyền đấu tranh  chống áp bức bất công. Thế là cháu bị đuổi. Nhất giở cái túi du lịch cô  mang theo, đem khoe mấy tập giấy, mỗi tập gói trong một cái túi ni lông  như gói tiền vàng mã. Đây là tranh biếm họa phô tô cóp pi thành nhiều  bản. Đây là tập truyền đơn. Đây là quần áo và đồ dùng của cháu, cô chú  cho cháu gửi nhờ cháu đi hoạt động ít hôm. Cháu đã xin được sang một  công ty tư nhân. Rồi cháu sẽ quay lại thanh toán lão chủ ngoại quốc.

Vợ  anh đùa bảo Nhất cho con Tứ đi theo kiếm việc làm. Nhất lắc đầu, con  này cháu dạy là dạy thế thôi, còn u mê chán, không bao giờ giác ngộ được  đâu.

Vợ anh khen cô xinh ra. Nhất bảo chưa xinh đâu,  bao giờ cháu phải được như cô tiểu thư kia kìa. Tay chỉ vào bức tranh  cô gái ở trên tường.

Cô đi rồi. Anh không kịp nói cho cô biết đấy không phải là cô tiểu thư. Đấy là bức tranh Cô đầy tớ.  Chân cô đang bước đi mà cái khay trên tay có một cốc nước không hề  nghiêng chao. Điều đó chứng tỏ cô thạo việc, ngôn ngữ ngày nay gọi là  giỏi chuyên môn. Trang phục tươm tất, mái tóc còn in đường lược. Điều đó  chứng tỏ cô có ý thức tự trọng và biết giữ uy tín nghề nghiệp. Một cô  đầy tớ thế kỷ mười chín bên châu Âu. Không phải là cô tiểu thư.

(Truyện của Hồ Anh Thái)

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

ỨC!!!



Bố vẫn ấm ức, quê mình răng mà nắng mưa quá đáng?
Dù biết ngàn đời nay, vốn dĩ đã thế rồi!

Con không nói chi, con chỉ nhoẻn cười
Ôm cổ bố, và vòng chân xiết chặt.

Bố con ta vẫn cười, những nụ cười đẹp nhất
Và nhảy cùng nhau, những điệu lạ lùng

Ngoài kia, mưa gió vẫn bão bùng
Sáng nay, trường con không khai giảng được.

Quê ta, trời đầy mưa, mắt người ngân ngấn nước
Cười với con hôm nay, mai bố lại đi rồi…